Phim TH mới trên HTV9 : Không có gì và không một ai

Bộ phim truyền hình tình cảm xã hội 30 tập Không có gì và không một ai lên sóng HTV9 từ ngày  21/4, chiếu từ thứ Hai đến thứ Năm hàng ngày.
Đây là phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức viết về Thanh niên xung phong sau 1975.



Nhà văn Nguyễn Đông Thức gắn liền với thế hệ thanh niên miền Nam sau 1975, rất nhiều bạn đọc cùng thời với nhà văn nhớ đến ông qua tác phẩm Ngọc trong đá - đã được dựng thành phim nổi tiếng một thời.
Phim truyền hình Không có gì và không một ai do chính nhà văn Nguyễn Đông Thức chuyển thành kịch bản, NSƯT Trần Mỹ Hà đạo diễn phim này.
Trần Mỹ Hà từng làm các phim tiêu biểu, như: Ông cá hô chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Lê Văn Thảo (nguyên Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam).
Phim Không có gì và không một ai có một bất ngờ, khi nhạc sĩ Bảo Chấn sau nhiều năm "im lặng" đã trở lại để "chăm lo" phần âm nhạc cho Không có gì và không một ai.
Tiểu thuyết Không có gì và không một ai do NXB Trẻ ấn hành, theo thông tin từ đơn vị xuất bản này, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đông Thức sẽ tái bản trước ngày 30/4.


 Họ, bốn người bạn thân - Thương, Tiềm, Phong, Châu - đều cùng sinh năm 1955, cùng tròn 20 tuổi vào năm 1975. Số phận của họ gắn liền với TPHCM suốt 40 năm và được nhà văn Nguyễn Đông Thức kể lại trong tiểu thuyết “Không có gì & không một ai”. Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS) đã mời đạo diễn Trần Mỹ Hà dựng thành phim cùng tên với độ dài 30 tập (phát sóng trên HTV9 trong khung giờ 17h30, thứ hai đến thứ năm, từ 21.4).

“Không có gì & không một ai” là tiểu thuyết thứ tư của nhà báo - nhà văn Nguyễn Đông Thức (nguyên Trưởng ban VHVN Báo Tuổi Trẻ TPHCM). Năm 2012, khi tiểu thuyết ra mắt bạn đọc, nhiều người, đọc xong, hoặc rõ ràng nhận ra hoặc lờ mờ “suy đoán” câu chuyện, nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Đông Thức họ đã gặp đâu đó trong đời thực, nhất là câu chuyện liên quan đến nghề báo, tờ báo mà nhân vật Phong gắn bó. Điều này là bình thường, dễ hiểu, bởi lẽ, Nguyễn Đông Thức làm báo hơn 30 năm.

Tính xác thực trong số phận các nhân vật cũng thể hiện rõ trong bộ phim của đạo diễn Trần Mỹ Hà, cho dù tất nhiên, hiện thực qua bàn tay của đạo diễn đã trở nên… lung linh hơn. Một đôi tập đầu phim - như là màn “giao đãi”, giới thiệu các nhân vật hơi dằng dai, với những cảnh quay đẹp, nuột nà những năm tuổi trẻ của các nhân vật, khiến người xem hơi sốt ruột, cảm giác như mạch phim chảy theo hướng khai thác đơn giản là câu chuyện về tình bạn.

Nhưng dần dần các tập tiếp mới đi vào số phận của từng người với những câu chuyện của họ đan xen, chồng chéo vào nhau đủ để cuốn khán giả xem phim với mong mỏi và niềm tin nhìn thấy lại một phần nào của mình trong bối cảnh xuyên suốt 40 năm ở miền Nam nói chung và TPHCM nói riêng: Những câu chuyện liên quan đến vấn đề xét con người qua “chủ nghĩa lý lịch” sau ngày giải phóng 30.4.1975, chuyện cải tạo tư sản, tinh thần phấn chấn và khát khao mong được cống hiến xây dựng đất nước sau chiến tranh của những người thanh niên Sài Gòn, những gian lao, hy sinh của họ khi tham gia lực lượng TNXP, phục vụ chiến dịch biên giới Tây Nam, cho tới chuyện vượt biên…

Song, có lẽ, ấn tượng nhất và cung cấp nhiều tư liệu nhất, là chuyện về tờ báo mang tên “Vì dân” - nơi nhân vật Phong làm việc, những trăn trở về nghề báo bắt đầu từ những năm tám mươi thế kỷ trước. Nói chuyện sự phát triển của một tờ báo, rõ ràng cũng là nói về chuyện phát triển xã hội Việt Nam…


Câu chuyện “thời hậu chiến” của những con người có tuổi thanh xuân đẹp nhất đúng vào năm nước nhà thống nhất cho tới hôm nay - họ từ thanh niên cho tới khi chớm già, vẫn giữ được một tình bạn đẹp - giúp đỡ và hy sinh vì nhau, để cùng ngoảnh nhìn lại, “thấy đời mình không hối tiếc”. Đáng khen cho diễn xuất của 4 diễn viên trẻ tầm tuổi 9X là Hồng Ân, Phương Khánh, Quốc Trường, Lê Thanh Bảo Anh (ảnh) - thể hiện các nhân vật trong một khoảng cách khá dài - 40 năm với khẩu hiệu “Không có gì, không một ai có thể chia cách tình bạn tụi mình…”.

Nhiều năm qua, cho tới giờ, TFS vẫn giữ được một trong những thế mạnh là phim truyền hình chính luận được thể hiện trong một phong thái khá nghệ thuật. Và bộ phim “Không có gì & không một ai” cũng không nằm ngoài thế mạnh này